Nếu các bạn đã sử dụng thẻ tín dụng, thì các bạn có thể biết tính năng nổi bật của nó là thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên khi có nhu cầu sử dụng tiền mặt gấp, một số người vẫn có thể rút tiền từ thẻ tín dụng. Vậy làm thế nào để rút tiền từ thẻ tín dụng và có nên thường xuyên làm như vậy hay không?
Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn làm rõ hơn về các vấn đề này
Như nhiều bài viết về thẻ tín dụng đã từng nói, thẻ tín dụng là loại thẻ ngân hàng mà bạn có thể chi tiêu trước và trả tiền sau. Nói rõ hơn, khi dùng thẻ tín dụng, bạn sẽ được ngân hàng cho “mượn” một khoản tiền và sẽ dùng nó để thanh toán nhiều loại giao dịch khác nhau như mua sắm, ăn uống, du lịch, giáo dục, …
>> Xem thêm: Thẻ tín dụng là gì? Có nên sử dụng thẻ tín dụng không?
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền của thẻ tín dụng không có nghĩa là bạn sử dụng bằng bất kỳ hình thức nào cũng được mà thông thường việc sử dụng ấy phải thực hiện với mục đích chính là thanh toán mua bán hàng hóa qua máy POS hoặc thanh toán trực tuyến (online), tức là không phải bạn lấy tiền ra và đi mua sắm linh tinh mà sự thanh toán cần thông qua một loại máy/ hệ thống để xác định bạn mua bán gì, từ đó ngân hàng sẽ thực hiện thanh toán cho bạn.

Mặc dù, tính năng thanh toán không dùng tiền mặt qua máy POS, thanh toán trực tuyến (online) là tính năng chính để thẻ tín dụng ra đời, tuy nhiên để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người sử dụng như vay “nóng” một số tiền dùng cho một số công việc mà bắt buộc phải dùng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng không được hỗ trợ sử dụng, thì thẻ tín dụng có thêm một tính năng nữa là rút tiền mặt.
Thông thường các ngân hàng sẽ cho phép bạn hưởng ưu đãi 45-55 ngày không tính lãi suất. Sau 45-55 ngày, số tiền bạn đã sử dụng mà bạn chưa trả lại cho ngân hàng thì sẽ bắt đầu bị tính lãi và mỗi giao dịch được thực hiện sẽ bị tính phí.
Riêng đối với việc bạn rút tiền mặt, thì thông thường lãi sẽ được tính ngay cho khoản tiền bạn rút tại thời điểm rút tiền.
Vì tính năng rút tiền là tính năng phụ và chỉ khuyến khích sử dụng khi thật sự cần thiết, nên việc ưu đãi về miễn lãi suất thường sẽ không được áp dụng như khi bạn thanh toán qua máy POS/ thanh toán trực tuyến (online).
Các cách rút tiền từ thẻ tín dụng
Rút tiền từ thẻ tín dụng thông qua máy ATM
Thẻ tín dụng được biết đến là trường hợp bạn tiêu tiền ứng trước của ngân hàng rồi trả lại sau, khác với thẻ ghi nợ là tiền của bạn đã có sẵn trong thẻ. Vậy việc rút tiền từ thẻ tín dụng thông qua máy ATM có khác gì với thẻ ghi nợ không?
Câu trả lời là bạn thao tác hoàn toàn giống nhau, bạn chỉ cần thực hiện các bước như sau:
- Bạn có thể đến bất cứ máy ATM nào gần nhất để thực hiện giao dịch rút tiền, không cần phải là ATM của đơn vị phát hành thẻ.
- Cho thẻ vào máy ATM
- Nhập mã PIN (lưu ý không nhập sai quá 3 lần thẻ sẽ tự động bị khóa, đồng thời trong lúc nhập mã nên lấy tay che lại để tránh bị ăn cắp thông tin mã pin sẽ rất nguy hiểm).
- Chọn số tiền muốn rút (thông thường thì các ngân hàng chỉ cho rút tối đa 70% giá trị hạn mức thẻ tín dụng, tuy nhiên có một số ngân hàng cho phép rút 100%)
- Sau đó máy ATM sẽ trả thẻ và tiền cho bạn.
Tùy theo máy ATM mà bạn sẽ nhận lại thẻ trước rồi nhận tiền hoặc ngược lại. Tuy nhiên bạn không cần quá để ý đến chi tiết này vì nó không ảnh hướng đến giao dịch rút tiền của bạn
Rút tiền tiền từ thẻ tín dụng thông qua tổng đài
Hiện tại, thì đã số các ngân hàng chỉ cho khách hàng rút tiền từ theo tín dụng thông qua máy ATM và rút bằng chính chiếc thẻ tín dụng đó. Tuy nhiên, một số ngân hàng/ tổ chức tín dụng có thêm một hình thức rút tiền thẻ tín dụng nữa là thông qua tổng đài.
Đối với hình thức này thường có các bước sau:
- Bạn gọi điện thoại đến tổng đài của ngân hàng/ tổ chức tín dụng, đăng ký rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Sau đó bạn yêu cầu số tiền muốn rút.
- Số tiền sẽ được giải ngân vào tài khoản thanh toán của bạn tại ngân hàng/ tổ chức tín dụng đó hoặc ngân hàng/ tổ chức tín dụng khác (đây là số tài khoản bạn cung cấp)
- Bạn dùng thẻ ghi nợ (thẻ ATM) bạn đã mở tại ngân hàng bạn có tài khoản đó và có thể đến bất cứ máy ATM nào để rút số tiền đã được giải ngân.
Hình thức này được một số ngân hàng sử dụng trong đó có thể biết đến là VPBank.
Ngoài ra có một số nơi cho phép khách hàng rút tiền thông qua máy POS, nhưng đây là hình thức bị cấm do giao dịch mua bán tại đó không xảy ra thật mà khách hàng chỉ nhờ để rút tiền và sử dụng cho mục đích khác.
Cách tính lãi và phí khi rút tiền từ thẻ tín dụng
Thông thường với thẻ tín dụng hiện nay, các ngân hàng/ tổ chức tín dụng phát hành thẻ đều ra chương trình ưu đãi miễn lãi từ 45-55 ngày. Nghĩa trong khoảng thời gian của một kỳ thanh toán (thường là 30 ngày) thêm 15-25 ngày, nếu bạn phát sinh giao dịch và thanh toán trong khoảng thời gian đó thì bạn sẽ không bị mất lãi.
Tuy nhiên, ưu đãi đó chỉ áp dụng đối với trường hợp bạn sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán mua bán hàng hóa qua máy POS hoặc thanh toán trực tuyến (online) thông qua số thẻ tín dụng và mã bảo mật.
Với trường hợp rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, thì bạn sẽ không được hưởng ưu đãi đó, bạn sẽ mất lãi ngay từ thời điểm rút tiền (một số ngân hàng có chính sách không tính lãi nếu hoàn trả số tiền ngay trong ngày) và thêm vào đó là phí rút tiền nữa (thông thường từ 2-4%/ lần).
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đưa ra ví dụ như sau:
Giả sử bạn sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng Techcombank, với hạn mức 10 triệu VND; lãi suất thẻ tín dụng 3%/tháng; miễn lãi 45 ngày và số tiền tối thiểu phải thanh toán là 5%. Kỳ thanh toán là từ ngày 01 đến 30 hàng tháng.
Ngày 15/01 bạn thực hiện rút tiền mặt thông qua thẻ tín dụng tại ATM với số tiền là 5 triệu đồng, bạn lập tức mất ngay phí rút tiền là 5.000.000 VNĐ *2%= 100.000 VNĐ.
Đến hết ngày 30/01 ngân hàng thực hiện sao kê dư nợ của bạn kì từ 01/01 đến 30/01 bạn có dư nợ chưa thanh toán là 5 triệu đồng và bạn phải thanh toán trước ngày 15/02 (do thời gian miễn lãi là 45 ngày).
Đến ngày 15/02 bạn thanh toán được hết toàn bộ dư nợ là 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, do bạn sử dụng hình thức rút tiền mặt từ thẻ nên bạn cần thanh toán thêm phần lãi như sau:
Lãi suất thẻ tín dụng = Số dư * %lãi suất thẻ tín dụng/ngày* số ngày từ lúc rút tiền đến hạn thanh toán nợ
Số tiền bạn cần thanh toán là 5.000.000 VND*(3%/30)*32 = 160.000 VND
Như vậy, tổng số tiền bạn cần thanh toán kỳ này là 5.260.000 VNĐ (bạn luôn bị tính lãi kể cả khi bạn thanh toán toàn bộ dư nợ, thanh toán được phần tối thiểu hay không thanh toán được khi đến hạn thanh toán)
Bên cạnh đó, bạn cần phải lưu ý rằng, nếu bạn không thanh toán được toàn bộ hoặc phần tối thiểu đúng hạn, bạn sẽ bị phạt lãi suất trả chậm thẻ tín dụng đồng thời tháng sau bạn sẽ không được hưởng 45-55 ngày miễn lãi cho kỳ thanh toán tiếp theo nữa. Mọi giao dịch trong tháng tiếp theo cũng bị tính lãi suất như quy định kể là thanh toán qua thẻ hay rút tiền từ thẻ tín dụng.
Những lưu ý khi rút tiền thẻ tín dụng
Về hạn mức rút
Thông thường các ngân hàng chỉ cho bạn rút tiền ở hạn mức 70% hạn mức thẻ tín dụng. Tuy nhiên bạn vẫn có thể rút 100% hạn mức ví dụ như thẻ tín dụng của VPBank.
Vì vậy, các bạn nên lưu ý về hạn mức để cân đối số tiền mình cần tiêu dùng, đồng thời cũng hạn chế rút quá nhiều tránh mất nhiều lãi và phí.
Về lãi suất và phí rút tiền mặt
Đối với thẻ tín dụng, các ngân hàng thường gia hạn cho bạn 45-55 ngày rút tiền hay thực hiện giao dịch không lãi suất. Sau 45 ngày sẽ bắt đầu tính lãi suất. Ngày tính lãi rút tiền sẽ phụ thuộc vào ngày thanh toán thẻ theo kỳ sao kê. Mức lãi suất này được tính như lãi suất cho vay và được áp dụng khác nhau ở mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, với trường hợp miễn lãi trên chỉ áp dụng nếu bạn thanh toán, mua bán hàng hóa qua thẻ còn nếu bạn rút tiền mặt thì bạn sẽ bị mất lãi và phí ngay tại thời điểm rút.
Hiện tại các ngân hàng đang tính mức lãi suất trên 20-30% /năm, phí rút tiền từ 2-4%/lần trên tổng số tiền bạn rút. Một số ngân hàng cho phép không mất lãi nếu bạn hoàn trả số tiền đã tiêu ngay trong ngày, chẳng hạn như VPBank, bên cạnh đó VPBank còn cho phép bạn rút tiền bằng cách gọi điện đến tổng đài với mức phí rút tiền chỉ là 1% rẻ hơn với trường hợp bạn rút tại máy ATM.
Về điểm tín dụng/ đánh giá lịch sử giao dịch
Các ngân hàng thường kiểm soát rất kỹ mọi giao dịch từ thẻ tín dụng. Nếu bạn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thì tự động ngân hàng sẽ đánh giá bạn có điểm tín dụng xấu. Điều này hoàn toàn không có lợi cho bạn khi thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng như: gia tăng hạn mức tín dụng, sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng…
Các bạn có thể thấy đa số thì việc rút tiền từ thẻ tín dụng sẽ chỉ giúp bạn khi bạn cần tiền rất gấp, còn lại nó sẽ mang một số những thiệt hại không chỉ về kinh tế khi bạn phải trả phí, lãi suất nhiều hơn mà nó còn ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của bạn để sau này bạn có thể thực hiện các khoản vay khác.
Vì vậy, lời khuyên đưa ra cho các bạn là chỉ rút tiền từ thẻ tín dụng khi thật sự cần thiết, trước khi mở thẻ thì nên lưu ý về các ưu đãi, phí, lãi suất khi rút tiền để tránh ảnh hưởng không tốt khi bắt buộc phải rút tiền